Dạy 18 kỹ năng sống cho trẻ mà bố mẹ không thể bỏ qua !

Khi bé còn nhỏ, bạn luôn chăm chút kỹ lưỡng cho con từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học tập, vui chơi. Khi trẻ lớn lên, bé dần rời xa vòng tay bạn. Do đó, cách tốt nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ con chính là dạy trẻ kỹ năng sống ngay từ nhỏ. 

Là bố mẹ, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng yêu thương con mình rất nhiều, luôn muốn bảo vệ và nuôi dưỡng con thật tốt. Thế nhưng, thực tế là sự bao bọc quá mức sẽ mất dần tác dụng khi trẻ lớn dần lên. Do vậy, việc trang bị các kỹ năng sống cho trẻ sẽ giúp trẻ tự tin bước vào cuộc sống chính là điều mà trẻ cần nhất lúc này. Không ai khác, bạn nên là người hướng dẫn cho trẻ.

Dưới đây là 18 kỹ năng sống cho trẻ mà bất kỳ cha mẹ nào cũng nên trang bị cho con để bé tự tin ở những năm tháng đầu đời, chuẩn bị cho sự trưởng thành hoàn thiện.

 


1. Biết giặt quần áo là kỹ năng sống cần thiết cho trẻ

Giặt giũ là một kỹ năng mà mỗi trẻ nên học ngay từ khi còn nhỏ. Kỹ năng này sẽ hữu ích khi trẻ lớn hơn và đi học xa nhà.

Khi dạy con làm những việc giặt đồ cơ bản như giặt quần áo, giặt khăn, vớ, chà giày dép… bạn nên cẩn thận hướng dẫn và luôn động viên để trẻ không cảm thấy quá khó. Bạn hãy chỉ cho trẻ cách làm từng bước, cặn kẽ, hướng dẫn cho trẻ biết những đồ nào có thể giặt chung, đồ nào phải giặt riêng, đồ nào phải giặt bằng tay… Bạn nên kèm cặp trẻ thực hiện nhiều lần để chắc chắn rằng con đã biết làm. Sau đó, hãy giao nhiệm vụ giặt giũ cho trẻ và để trẻ tự làm một mình.

Có thể trong quá trình giặt giũ sẽ có một vài “tai nạn nho nhỏ” xảy ra như quần áo bị lem màu, giặt chưa sạch, con quên đổ nước giặt/nước xả vào máy giặt… nhưng không sao, từ từ rồi bé sẽ thuần thục việc giặt giũ mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn con cách phơi quần áo, gấp hay ủi quần áo, cách sắp xếp quần áo vào tủ… Những kỹ năng này sẽ rất hữu ích, chúng rèn cho trẻ thói quen sạch sẽ, ngăn nắp.

2. Nấu ăn là một kỹ năng sống thiết thực cho trẻ

Nấu ăn là một kỹ năng sống cho trẻ thiết thực nhất mà bạn nên dạy cho con. Ngay từ khi bé bước vào bậc tiểu học, bạn hãy bắt đầu dạy bé làm từng việc đơn giản trước. Đầu tiên, bạn có thể chỉ bé cách dùng lò vi sóng để hâm thức ăn, cách luộc trứng, luộc rau tiếp đến là vo gạo nấu cơm, nhặt rau, rửa rau, chiên trứng, sơ chế thịt, cá…

Tại sao bạn để bé tập nấu ăn? Lý do đơn giản là tuy bạn luôn quan tâm đến từng bữa ăn của con nhưng vẫn sẽ có lúc bận rộn, mệt mỏi hoặc không thể luôn có mặt ở nhà nấu ăn cho bé. Do đó, nếu được rèn luyện kỹ năng trên từ sớm, bé sẽ biết xoay xở khi không có mẹ ở nhà hoặc trẻ sẽ tự giác vào bếp phụ bạn nấu ăn.

Kỹ năng này rất hữu ích nếu sau này sống xa nhà, bé sẽ có khả năng làm chủ việc ăn uống.

3. Hãy để con tự sắp xếp cặp của mình nhằm dạy trẻ biết tự chịu trách nhiệm

Mỗi buổi tối, bạn luôn luôn soạn cặp cho con để đảm bảo trẻ sẽ không quên sách vở hay đồ dùng học tập ở nhà. Bạn biết đấy, đến một ngày nào đó con bạn sẽ phải lớn lên rồi đi làm, bạn không thể là người sửa soạn đồ đạc cho con mãi. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn hãy để con tự sắp xếp cặp của mình. Mục đích của việc làm này là rèn cho con kỹ năng tự chịu trách nhiệm cho hành trang của bản thân.

4. Bố mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tự sơ cứu vết thương

Khi trẻ bị thương, có thể vì quá lo lắng và hoảng sợ mà bạn xuýt xoa quá mức. Những hành động này là dễ hiểu, nhưng điều trẻ cần hơn chính là cách làm thế nào để xử lý tình huống này tốt nhất. Nếu được rèn luyện, bé sẽ biết giữ thái độ bình tĩnh dù thấy máu, bị đau và biết cách tự sơ cứu vết thương một cách tốt nhất.

Do đó, bạn nên ưu tiên dạy cho trẻ những cách sơ cứu cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi họ gặp nạn.

5. Biết dọn sạch phòng tắm là một kỹ năng sống cho trẻ mà con nên rèn luyện

Việc dọn dẹp nhà vệ sinh cần nhiều kỹ năng. Con bạn cần học cách làm sạch gương, chậu rửa mặt, kệ để hóa mỹ phẩm, nắp đậy, chỗ ngồi của bồn cầu, sàn phòng tắm, miệng cống thoát nước… Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể cho trẻ dùng một số dung dịch tẩy rửa chuyên dụng không độc hại và chỉ cho trẻ cách dọn sạch phòng tắm. Bạn hãy bày cho con một số mẹo nhỏ hữu ích như rắc baking soda lên bề mặt cần lau rửa, để trong một vài phút, phun lên một ít giấm, sau đó chà bằng bàn chải nhà vệ sinh… chẳng hạn.

6. Dạy con cách tiêu tiền và biết tự mua đồ ở hàng tạp hóa/siêu thị

Đây là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn nên dạy con. Bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm tiền để sử dụng trong tương lai. Bạn có thể dạy con về giá trị của đồng tiền bằng cách, trả công cho trẻ khi trẻ làm các việc như giặt giũ, rửa chén bát, dọn phòng tắm… Từ khoản tiền công mà trẻ nhận được, bạn hướng dẫn trẻ cách tính số tiền mà trẻ có thể chi tiêu, số tiền mà trẻ cần phải tiết kiệm mỗi ngày, số tiền mà trẻ nên để riêng ra nhằm giúp đỡ các bạn khó khăn.

Ngoài ra, con bạn cần biết cách tự đi mua đồ ở của hàng tạp hóa gần nhà hay siêu thị. Đầu tiên, bạn hãy tập cho trẻ biết lên kế hoạch mua sắm bằng cách cùng trẻ lên danh sách những món đồ cần mua. Sau đó, bạn đưa con vào siêu thị và giao cho bé nhiệm vụ tự tìm mua những món đồ trong danh sách ấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa tiền, giỏ và danh sách gồm khoảng 5 – 6 món đồ cần mua để trẻ tự đi chọn lựa, thanh toán tiền mua hàng. Nếu bé còn khá nhỏ, bạn có thể đưa con mẩu giấy ghi vài món đồ và tiền để bé đi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà.

Những việc làm trên sẽ giúp bé làm quen dần với những kỹ năng hữu ích này.

7. Dạy trẻ kỹ năng lập kế hoạch cho một chuyến đi chơi

Vì yêu thương con, chúng ta thường có những nỗi sợ khá vô lý, vô tình khiến trẻ cảm thấy sợ hãi thế giới này. Bạn không nên lúc nào cùng kè kè bên cạnh trẻ. Chẳng hạn như khi vào trung tâm thương mại, bạn hãy để trẻ một mình vào rạp xem phim, tự tìm mua đồ ở khu trẻ yêu thích, tự chọn món ăn mà trẻ thích… Hãy để trẻ làm bất cứ điều gì chúng muốn miễn là điều ấy không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ.

Nếu trẻ đã lớn và muốn đi dã ngoại cùng bạn bè, bạn có thể cho trẻ đi. Song trước đó, bạn hãy dạy trẻ cách lên kế hoạch cho một chuyến đi, tìm hiểu thông tin về nơi sẽ đến để biết phải chuẩn bị những gì, các vật dụng cần thiết nào phải mang theo. Đi chơi cùng bạn bè sẽ cho trẻ những trải nghiệm hữu ích mà có thể bạn không thể dạy trẻ được.

8. Biết sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một kỹ năng sống cho trẻ hữu ích

Đây là một kỹ năng sống cho trẻ cần thiết để chúng ta có thể đi đến bất kỳ đâu và làm được mọi việc. Với một sự bảo bọc bằng cách đưa đón thường xuyên, đến mọi nơi của bố mẹ, trẻ sẽ không thể nào đi xa ra khỏi vòng tay của bố mẹ, tức là sẽ không thể đi đâu mà không có bố mẹ. Nếu vậy, bao giờ thì con bạn khôn lớn được?

Thực tế là các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam và cung cách phục vụ còn nhiều hạn chế song không nghĩa là con bạn không nên sử dụng chúng. Ngay từ bây giờ, thay vì đưa con đến trường bằng xe gắn máy hay xe hơi như mọi ngày, bạn hãy cùng con đi xe buýt. Dần dần, trẻ sẽ biết cách đến trường, tự về nhà bằng xe buýt mà không phải trông chờ bạn đón.

Mỗi khi đi có dịp đi du lịch, bạn hãy cho con trải nghiệm các phương tiện giao thông công cộng khác nhau từ xe khách, xe buýt, tàu hỏa, tàu cánh ngầm, máy bay… Việc này sẽ giúp trẻ nhận biết được các tiện ích cũng như những hạn chế của từng phương tiện, đồng thời cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp tốt.

9. Bạn hãy dạy trẻ kỹ năng gọi món khi đi ăn ở bên ngoài

Mỗi khi cả gia đình có dịp đi ăn ở ngoài, bạn hãy dạy con cách chọn món cho một bữa ăn. Ngoài ra, đừng quên nhắc con nhìn vào mắt của người phục vụ, tỏ ra lịch sự, gọi món muốn chọn và nói lời cảm ơn. Một ngày nào đó, khi trẻ đi ăn với bạn bè hoặc bạn trai, bạn gái, trẻ sẽ rất cần đến kỹ năng này đấy.

10. Kỹ năng sống: giao tiếp với người lạ

Việc giao tiếp với người lạ như thế nào cũng là một kỹ năng sống mà trẻ cần phải học. Thế giới bên ngoài không nguy hiểm, nhưng đôi khi lời nói không khéo sẽ gây nhiều cái hại khôn lường, đặc biệt là khi tiếp xúc với người lạ. Bố mẹ nên là những người giúp con học được điều quan trọng này.

Bận hãy dạy trẻ biết giữ khoảng cách an toàn với người lạ, không nhận đồ người lạ cho khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, không nên tiết lộ tất cả những thông tin mang tính chất riêng tư của gia đình (tên, địa chỉ nhà, công việc của cha mẹ…) để tránh rắc rối. Vì không hiếm trường hợp kẻ lạ mặt cố tình tiếp cận trẻ nhằm mục đích xấu.

11. Biết viết thư là một kỹ năng sống thiết thực cho trẻ

Biết viết một lá thư là một kỹ năng thiết yếu trong khi thực tế là rất nhiều người không thực sự biết cách trình bày một lá thư. Bạn thấy đấy, ngay cả trong công việc hay cuộc sống, việc giao tiếp bằng thư từ kể cả thư điện tử đều phải đạt một mức độ chuẩn mực nhất định. Nếu được học điều này từ sớm, con bạn sẽ tự tin và nổi trội.

Bạn hãy dạy con kỹ năng viết thư bằng cách hướng dẫn con viết một lá thư thăm hỏi gửi cho một người bạn hay người thân trong gia đình ở xa. Bạn đừng quên khuyến khích con thường xuyên làm việc này. Vào những dịp lễ đặc biệt, hãy mua các tấm thiệp chúc mừng và khuyến khích con viết lời chúc gửi cho người thân, bạn bè.

12. Kỹ năng trồng và chăm sóc cây cối

Thông qua việc con tự trồng và chăm sóc cây, bạn đã dạy cho trẻ biết tôn trọng và yêu mến thiên nhiên. Hãy tận dụng một không gian nhỏ trong nhà như ban công hay sân thượng, thậm chí là một khoảng trống nhỏ chỉ có thể để vừa một chậu cây trên kệ sách của con… để phục vụ cho mục đích này. Bạn nói cho bé biết thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cối, làm sao để cây nảy mầm, đâm chồi và phát triển xanh tốt… Bạn và bé cũng có thể đặt tên cho cây mà bé trồng, xem cây như một người bạn nhỏ và cùng bé quan sát sự phát triển của cây đó.

Nếu nhà có vườn, bạn hãy dạy con làm vườn, trồng rau, trồng hoa. Việc này không chỉ giúp trẻ bớt căng thẳng sau những giờ học ở trường mà còn đưa lại cho trẻ những bài học thực tế rất hữu ích.

13. Kỹ năng sống cho trẻ: sinh tồn ở nơi hoang dã

Bạn có thể cho trẻ đi dã ngoại hoặc tham gia vào các lớp hướng đạo sinh. Những lớp học này sẽ dạy cho bé các kỹ năng để sinh tồn ở nơi hoang dã như cách tìm nơi trú ẩn, cách đốt lửa, cách di chuyển, cách phát tín hiệu cầu cứu… Các kỹ năng sống cho trẻ này sẽ giúp trẻ tự tin và độc lập, đồng thời dám tham gia vào những cuộc phiêu lưu.

14. Bơi lội là kỹ năng sống mà mọi trẻ nên được học

Bơi là một môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ học bơi sẽ nhanh nhẹn, linh hoạt, biết tự xử lý các tình huống nguy hiểm liên quan đến sông nước có thể xảy ra và tự biết các bảo vệ mình và đôi khi còn có thể cứu người. Việc học bơi giúp trẻ sống lành mạnh, hòa đồng với bạn bè, tăng kỹ năng học hỏi và nắm bắt kinh nghiệm từ những người khác.

Do đó, đây là một kỹ năng thiết yếu mà con bạn nên học dù nhà bạn không ở vùng sông nước.

15. Dạy trẻ biết sửa chữa vật dụng đơn giản

Bạn nhận thấy rằng bé luôn tò mò muốn biết bên trong tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động… là cái gì. Hãy khuyến khích trẻ tìm hiểu về điều đó. Bạn có thể dạy bé cách ráp xích xe đạp khi xe của con bị tuột xích, cách sửa vòi nước, thay bóng đèn, tắt bếp gas, bếp điện… Tuy nhiên, trước đó, bạn phải dạy bé những quy tắc an toàn khi sửa chữa các thiết bị điện nhé.

Nếu cặp của con bị sút quai, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ cách may lại quai cặp để dùng thay vì mua cái mới. Ngoài ra, bạn có thể dạy trẻ cách đơm nút áo, nút quần nếu chẳng may quần áo của con bị đứt nút, sút chỉ.

16. Dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian

Ngay từ khi bé còn nhỏ, bạn hãy dạy bé kỹ năng quản lý thời gian. Dạy cho trẻ biết tự mặc đồ, tự sắp xếp thời gian chơi và học, biết đặt đồng hồ báo thức để tự dậy sớm đi học và tự giác làm bài tập trong một khoảng thời gian xác định mỗi ngày. Khi lớn lên, trẻ sẽ biết cách để tự sắp xếp thời gian cho bản thân.

17. Kỹ năng tự vệ là kỹ năng sống cho trẻ mà con bạn nên học


Không phải lúc nào bạn cũng ở bên cạnh để bảo vệ trẻ tránh khỏi những tình huống nguy hiểm. Vậy hãy cho trẻ học một lớp võ tự vệ để tự bảo vệ mình, chẳng hạn như lớp võ karate, aikido, võ cổ truyền… Những lớp học này không chỉ giúp trẻ bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm mà còn rất hữu ích cho sự phát triển thể chất.

18. Kỹ năng sử dụng thiết bị định vị

Nếu bạn từng bị lạc, thậm chí là bị lạc ngay khi có sự chỉ dẫn của GPS trên các ứng dụng chỉ đường, bạn sẽ biết tại sao khả năng đọc bản đồ là điều cần thiết. Bạn hãy dạy con cách đọc bản đồ để tăng cường kỹ năng định hướng của trẻ nhé.

Làm bố mẹ, kiêm luôn chức người thầy của con không hề dễ dàng chút nào. Bạn có thể không phải lúc nào cũng bên con, nhưng lúc nào con cũng cần được sự “dẫn lối” của bố mẹ – bằng cách dạy trẻ kỹ năng sống từ trước. Không bao giờ là quá sớm hay muộn để bạn trang bị cho con những điều trên, thế nên, hãy bắt tay ngay vào việc truyền thụ những kỹ năng sống cho trẻ, bạn nhé!

contact-form


Post a Comment

أحدث أقدم